Khởi Nghiệp

Hợp đồng lao động và những điều tân cử nhân cần lưu ý khi xin việc

Ngày đăng: 07-03-2018


Khi đi xin việc, vì háo hức và nôn nóng muốn tìm một công việc ngay mà nhiều tân cử nhân vội vàng gật đầu đồng ý với những điều khoản mà nhà tuyển dụng đưa ra. Việc tìm hiểu kỹ một vài thông tin liên quan đến hợp đồng lao động sẽ giúp các bạn sinh viên mới ra trường tự bảo vệ mình khi xin việc.

Xin việc hay bán sức? Do việc thiếu kiến thức và không tìm hiểu kỹ về những vấn đề quan trọng nhất trong hợp đồng lao động mà nhiều bạn đã chịu thiệt khi đi xin việc. Dưới đây là những thông tin bạn cần chú ý khi thỏa thuận với nhà tuyển dụng trước khi đặt bút ký kết hợp đồng.

hop-dong-lao-dong-va-nhung-dieu-tan-cu-nhan-can-luu-y-khi-xin-viec-hinh-anh-1

 

Cần đọc kỹ các thông tin trước khi ký hợp đồng lao động

 

Thời gian thử việc

Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên khoa Pháp luật kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, khi thử việc, điều mà các bạn tân cử nhân cần quan tâm đầu tiên là thời gian thử việc, “vì đây là vấn đề các doanh nghiệp hay vi phạm nhất”. Luật Lao động quy định thời gian thử việc tối đa là 60 ngày, phụ thuộc vào tính chất công việc, cụ thể như sau:

– 60 ngày đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên

– 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp

– 6 ngày đối với các công việc khác

Mức lương thử việc

Điều cần quan tâm thứ hai trong hợp đồng lao động là mức lương thử việc. Mức lương thử việc ít nhất phải bằng 85% lương chính thức, trong đó lương chính thức không được thấp hơn lương tối thiếu vùng.

Ví dụ một người ở quận Đống Đa, Hà Nội, thuộc vùng I. Từ năm 2018, lương tối thiểu tại vùng 1 là 3.980.000/tháng, nên khi thử việc mức lương của người này ít nhất là 2.985.000 đồng. Nếu trả lương thấp hơn mức này, công ty đã vi phạm Luật Lao động và sẽ bị xử phạt theo quy định.

hop-dong-lao-dong-va-nhung-dieu-tan-cu-nhan-can-luu-y-khi-xin-viec-hinh-anh-2

 

Mức lương thử việc ít nhất bằng 85% lương chính thức

 

Hồ sơ chứng từ

Vấn đề lưu ý thứ ba đó chính là việc bổ sung hồ sơ khi đi làm. Có một số nơi yêu cầu nộp bản gốc, nếu không sẽ không được nhận. Nhưng theo luật, nhà tuyển dụng không có quyền yêu cầu nhân viên nộp bản gốc gồm giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ… Những giấy tờ này chỉ  được cấp một lần, nếu có xảy ra việc mất, hư hỏng thì rất khó để làm lại, thậm chí chỉ được làm bản sao.

Đưa thì dễ nhưng lấy lại rất khó. Nhiều công ty yêu cầu nộp bản gốc là để gây khó dễ, kéo dài thời gian giữ người để tìm người mới khi ai đó có ý định xin nghỉ việc.

Hợp đồng chính thức

Vấn đề cuối cùng bạn cần quan tâm là loại hợp đồng và thời hạn sẽ ký khi vào làm chính thức. Có 3 loại hợp đồng mà doanh nghiệp có thể ký với người lao động

– Hợp đồng không xác định thời hạn (hợp đồng dài hạn)

– Hợp đồng xác định thời hạn (từ đủ 12 tháng đến 36 tháng)

– Hợp đồng theo mùa vụ hoặc giao kết thực hiện một công việc nhất định (dưới 12 tháng).

Pháp luật cũng nghiêm cấm sử dụng hợp đồng thời vụ với loại công việc có tính chất thường xuyên, kéo dài trên 12 tháng. Vì vậy, bạn cần xem xét tính chất công việc để thỏa thuận đúng về thời hạn hợp đồng cũng như các điều khoản trong đó.

Trên đây là 4 vấn đề bạn cần lưu ý với bản hợp đồng lao động khi đi xin việc. Việc Tốt Nhất chúc bạn tìm được một công việc phù hợp và thuận lợi nhé!

Nguồn: Sưu Tầm Internet

Xem các khởi nghiệp khác

Doanh Nghiệp Đối Tác